“Lợi ích cốt lõi” của chính quyền Bắc Kinh rốt cuộc là chỉ điều gì?
Theo trang CNBC đưa tin hôm 27/5, cùng với chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đang ngày càng tập trung vào việc Trung Quốc sẽ đối đãi như thế nào với công ty nước ngoài tại Trung Quốc trong tương lai, chính quyền Bắc Kinh cho biết việc Mỹ chỉ trích về kết cấu của nền kinh tế Trung Quốc chính là đang xung đột với “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Hàm ý câu “lợi ích cốt lõi” này của Bắc Kinh có nghĩa là, những vấn đề nói trên không thích hợp để đưa ra đàm phán đàm phán.
Trước đó, câu “lợi ích cốt lõi” có định nghĩa mơ hồ thường được Trung Quốc lý giải là chủ trương về lãnh thổ của mình, ví dụ như chủ trương lãnh thổ đối với Đài Loan. Tuy nhiên, cuối tuần trước (26/5), cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc là Tân Hoa Xã đã xuất bản bài bình luận nhấn mạnh về việc làm thế nào quản lý nền kinh tế nước nhà, Trung Quốc sẽ không khuất phục trước áp lực từ nước ngoài, và không thỏa hiệp để thay đổi mô hình kinh tế.
Nhiều doanh nghiệp quốc hữu khổng lồ của Trung Quốc đang kiểm soát các ngành nghề chiến lược như năng lượng, viễn thông và quốc phòng. Do các doanh nghiệp này nhận được lợi ích từ các chính sách trợ cấp, nên doanh nghiệp nước ngoài phàn nàn rằng doanh nghiệp Trung Quốc có ưu thế cạnh tranh không công bằng.
Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục leo thang, chủ yếu tập trung vào vấn đề Trung Quốc cưỡng ép doanh nghiệp nước ngoài chuyển giao công nghệ và vấn đề xâm phạm sở hữu trí tuệ.
Có bình luận nói, Trung Quốc đã nhận được lợi ích kinh tế kể từ sau khi tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới năm 2001, nhưng Trung Quốc lại không hề thực hiện cam kết giảm mức độ kiểm soát của nhà nước đối với các doanh nghiệp. Đương nhiên, Bắc Kinh đã thực hiện một số nỗ lực để tăng vai trò của thị trường trong nền kinh tế và cho phép các công ty nước ngoài có được nhiều cơ hội hơn. Nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng những hành động này là quá ít và quá chậm.
Lợi ích cốt lõi
Chính quyền Bắc Kinh có khuynh hướng từng bước phát triển trong lĩnh vực kinh tế, đồng thời có thái độ cứng rắn trong vấn đề địa chính trị. Trong bài bình luận cuối tuần trước trên truyền thông nhà nước Trung Quốc, có thể thấy Bắc Kinh muốn coi công nghệ và kinh tế là lợi ích cốt lõi của họ.
Tháng 1/2018, Tân Hoa Xã xuất bản một bài bình luận bằng tiếng Anh nói rằng: “Toàn vẹn lãnh thổ là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Hồng Kông, Macau, Đài Loan và Tây Tạng đều là những địa phương không thể thiếu của Trung Quốc. Những sự thực này là điều không thể nghi ngờ và thách thức.” Bài viết chỉ trích Công ty Marriott tại Mỹ coi những khu vực này thành quốc gia độc lập trong bảng câu hỏi trưng cầu ý kiến. Tuyên bố công khai của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tái khẳng định lập trường này.
Tuy nhiên, cũng có một số nhà phân tích chỉ ra, trước đó chính quyền Bắc Kinh cũng coi việc phát triển kinh tế là một trong những lợi ích cốt lõi của mình.
Tháng 9/2011, khi ông Hồ Cẩm Đào vẫn còn là Chủ tịch nước Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc đã công bố sách trắng liên quan đến “Trung Quốc trỗi dậy trong hòa bình”. Trong văn kiện này, lợi ích cốt lõi của Trung Quốc bao gồm: “chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, đoàn kết dân tộc, sự ổn định của chế độ chính trị quốc gia và xã hội được thiết lập bởi Hiến pháp Trung Quốc, là những đảm bảo cơ bản cho sự phát triển bền vững của kinh tế và xã hội.”
Một số thuật ngữ chính trị phiên dịch sang tiếng Anh cũng cho thấy sự không nhất quán của chính quyền Bắc Kinh. Ví dụ như kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” mà ông Tập Cận Bình đưa ra, để chỉ về việc Trung Quốc xây dựng cơ sở hạ tầng và tuyến đường thương mại trong khu vực. Ban đầu, tên của sáng kiến này được dịch sang tiếng Anh là “One Belt, One Road Initiative”, nó mang ý vị là Trung Quốc mong muốn lợi dụng kế hoạch này để tăng cường địa vị thống trị toàn cầu của mình. Tuy nhiên, cách đây vài năm, Bắc Kinh đã đổi tên tiếng Anh của nó thành “Belt and Road Initiative”, để biểu thị Trung Quốc khởi xướng nhưng không chiếm địa vị chủ đạo.
Nội dung cụ thể của kế hoạch “Một vành đai, Một con đường” vẫn không hề minh bạch. Một số nhà phân tích chỉ ra, diễn đàn “Vành đai và Con đường” được tổ chức tại Bắc Kinh vừa qua đã cho thấy rõ, các dự án mà Bắc Kinh chủ đạo đang vượt quá lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh phương diện ảnh hưởng công nghệ và thống trị toàn cầu.
Trí Đạt (theo CNBC)
Xem thêm:
- Phía sau việc Trung Quốc đổi tên tiếng Anh của “Vành đai và Con đường”
- Trung Quốc nói đòi hỏi của Mỹ xâm phạm chủ quyền kinh tế
The post “Lợi ích cốt lõi” của chính quyền Bắc Kinh rốt cuộc là chỉ điều gì? appeared first on Trí Thức VN.
from Trí Thức VN http://bit.ly/2Xdqws0
via bao moi
Post a Comment